Partner im RedaktionsNetzwerk Deutschland
Radio Logo

TẠP CHÍ ĐẶC BIỆT

Podcast TẠP CHÍ ĐẶC BIỆT
Podcast TẠP CHÍ ĐẶC BIỆT

TẠP CHÍ ĐẶC BIỆT

hinzufügen

Verfügbare Folgen

5 von 24
  • Ukraina không hưởng ứng ‘‘kế hoạch hòa bình 12 điểm’’, một thất bại của Tập Cận Bình?
    Ba ngày sau chuyến đi Nga của lãnh đạo Trung Quốc, được quảng bá rầm rộ trên truyền thông như một cơ hội thúc đẩy hòa bình cho Ukraina, rút cục Bắc Kinh chưa sắp xếp được cuộc điện thoại của Tập Cận Bình với tổng thống Ukraina Zelensky. Kể từ đầu cuộc chiến xâm lăng Ukraina của Nga, lãnh đạo Trung Quốc chưa một lần đối thoại trực tiếp với tổng thống Ukraina. Theo nhiều nhà quan sát, vị thế nghiêng hẳn về Nga ngày càng cho thấy Bắc Kinh không thể là bên trung gian cho hòa bình.  Một tâm điểm khác của thời sự quốc tế trong tuần qua là chuyến đi khẩn cấp đến Ukraina, được giữ bí mật cho đến phút chót, của thủ tướng Nhật Bản, đúng vào lúc lãnh đạo Trung Quốc đang có mặt ở Matxcơva để ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác chiến lược với chính quyền của quốc gia đang xâm lược Ukraina. Hai lãnh đạo châu Á ở hai bên chiến tuyến của cuộc chiến tranh tại Ukraina. Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ nối lại quan hệ sau 10 năm lạnh nhạt. Phong trào phản kháng chống luật cải tổ hưu trí tại Pháp mạnh lên trở lại sau khi Quốc Hội bỏ phiếu về kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ. Kiến nghị bị bác với chỉ 9 phiếu chênh lệch. Trên đây là một số chủ đề chính của tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này. *** Chuyến công du của lãnh đạo tối cao Trung Quốc từ ngày 20 đến 22/03/2023 được báo chí Nhà nước Trung Quốc quảng bá như một thành công lớn, đặc biệt với việc Bắc Kinh tự tin khẳng định vị thế toàn cầu, cùng với người bạn Nga, trong thế đối đầu với thế giới phương Tây, đứng đầu là nước Mỹ. Hoàn Cầu Thời Báo ấn bản Anh ngữ (ngày 22/03) có bài ca ngợi chuyến đi giúp ‘‘củng cố đối tác chiến lược vững chắc giữa hai cường quốc nhằm mang lại sự ổn định cho thế giới và có thể củng cố, tái xây dựng thế cân bằng trong quan hệ giữa các cường quốc, vốn bị Hoa Kỳ gây tổn hại nghiêm trọng trong những năm gần đây’’. Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời nhà tư vấn Andrey Kortunov, tổng giám đốc của Hội Đồng Quan Hệ Quốc Tế, một tổ chức cố vấn cho chính quyền Nga, theo đó mỗi cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước ‘‘là một xúc tác cho việc thúc đẩy hợp tác song phương’’. Hai bên đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác lớn, trong đó phải kể đến dự án đường ống khí đốt Siberi-2, dài hơn 2.500 km, dự kiến cung cấp gần 100 tỉ mét khối khí/năm, tức gần hai phần ba tổng lượng khí đốt Nga cấp sang châu Âu trước chiến tranh Ukraina. Kế hoạch hòa bình 12 điểm cho Ukraina, mà Bắc Kinh công bố cuối tháng 2/2023, được chính Trung Quốc coi là trọng tâm của chuyến công du. Hai lãnh đạo Trung – Nga đã bàn về bản kế hoạch này ngay vào ngày đầu tiên khi ông Tập Cận Bình đến Matxcơva. Tìm giải pháp cho ‘‘khủng hoảng Ukraina’’ cũng là một nội dung chính trong thông cáo báo chí của chủ tịch Trung Quốc tại Matxcơva trong ngày công du thứ hai, 21/03. Tuyên bố chung của lãnh đạo Nga – Trung hoan nghênh ‘‘lập trường khách quan và không thiên vị’’ của Trung Quốc ‘‘về vấn đề Ukraina’’, ‘‘các ý tưởng mang tính xây dựng’’ trong kế hoạch hòa bình cho Ukraina của Trung Quốc. Nguy cơ Tập Cận Bình lợi dụng cuộc điện thoại với Zelensky Quan hệ Nga – Trung nồng ấm là điều đã quá rõ ràng. Sự nhất trí Trung – Nga cao độ là điều hiển hiện. Ẩn số là thái độ của Ukraina. Xét về mặt thế - lực, nhiều điều cho thấy Ukraina có thể phải nhờ cậy đến Trung Quốc. Kể từ đầu cuộc xâm lăng của Nga, tổng thống Ukraina đã nhiều lần kêu gọi trực tiếp đối thoại với lãnh đạo Trung Quốc để tìm giải pháp. Tuy nhiên, chỉ cho đến giữa tháng 3 vừa qua, lần đầu tiên có tín hiệu từ phía Trung Quốc cho một cuộc đối thoại trực tiếp Tập Cận Bình – Zelensky, có thể diễn ra trong hoặc sau thời gian Tập Cận Bình công du Trung Quốc. Theo Wall Street Journal, ‘‘một cuộc đối thoại trực tiếp với ông Zelensky, nếu diễn ra, sẽ đánh dấu một bước quan trọng trong nỗ lực của Bắc Kinh đóng vai người trung gian hòa giải cho cuộc chiến tranh ở Ukraina, vốn bịnghi ngờ ở châu Âu. Và củng cố uy tín của Bắc Kinh với tư cách là một nhà trung gian đầy uy quyền sau khi tạo điều kiện cho một bước đột phá ngoại giao bất ngờ giữa Ả Rập Xê Út và Iran hồi tuần trước’’ (ngày 13/03/2023). Triển vọng cho hòa bình có thể là có, nhưng nguy cơ sẽ là rất lớn. Đổi lấy việc chấm dứt chiến tranh sẽ là những nhân nhượng to lớn, thậm chí có thể là việc đầu hàng kẻ xâm lược. Một số nhà quan sát ghi nhận nguy cơ cú điện thoại  Zelensky – Tập Cận Bình, nếu diễn ra, có thể sẽ được chính quyền Trung Quốc khai thác nhằm giáng một đòn nặng nề vào ‘‘mặt trận các quốc gia dân chủ’’ toàn cầu. Theo chuyên gia chính trị quốc tế Valérie Niquet, cú điện thoại Tập Cận Bình – Zelensky có thể cho phép đặt Bắc Kinh vào ‘‘vị trí trung tâm’’ của cuộc khủng hoảng, với vai trò người kiến tạo hòa bình, ‘‘cho phép xóa tan đi mọi cáo buộc về thái độ đồng lõa toàn diện với Nga’’ và qua đó mà khẳng định hơn nữa vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế, phá vỡ ‘‘mặt trận các quốc gia dân chủ toàn cầu’’ (Le Monde). Đối thoại với Tập ‘‘không ích gì lúc này’’ Chuyến công du Matxcơva của lãnh đạo Tập Cận Bình dường như đã là ''thời khắc của sự thật'', cho thấy ý nghĩa thực sự của kế hoạch hòa bình 12 điểm của Trung Quốc đối với chính quyền Ukraina. Báo CNBC Mỹ có bài phân tích đáng chú ý, nêu bật thái độ ngờ vực cao độ tại Kiev. Chính giới Ukraina theo dõi sát các hành động của chủ tịch Trung Quốc tại Matxcơva. Sau khi  Bắc Kinh khẳng định quan hệ mật thiết với Matxcơva, đặt cuộc chiến tranh tại Ukraina xuống hàng thứ yếu, thái độ của Kiev ắt hẳn là dứt khoát. Trả lời CNBC, chuyên gia Oleksander Musiyenko, giám đốc trung tâm nghiên cứu quân sự và pháp lý ở Kiev khẳng định: ‘‘Sau chuyến đi Matxcơva của ông Tập Cận Bình, chúng tôi thấy không cần thiết phải đối thoại với ông ta. Một cuộc đối thoại giữa tổng thống Zelensky và ông Tập Cận Bình không có nghĩa lý gì vào thời điểm này, sau khi Trung Quốc và Nga đã quyết định tăng cường quan hệ giữa hai chế độ độc đoán. Trung Quốc đã chọn bên, bên của Nga’’. Chuyên gia Ukraina nói thẳng: kế hoạch của Trung Quốc là ‘‘một kế hoạch của Nga’’ (23/03). Kế hoạch của Trung Quốc cũng là ‘‘kế hoạch của Nga’’ Lẽ dĩ nhiên, với mục tiêu để ngỏ cánh cửa cho ngoại giao, ‘‘tổng thống Ukraina Zelensky và những người thân cận tránh mọi chỉ trích công khai về chuyến đi Matxcơva của ông Tập Cận Bình’’. Nhưng thái độ của chính quyền Ukraina là rất rõ ràng : cuộc xâm lăng do Nga gây ra, điều kiện tiên quyết là Nga phải rút quân đội khỏi các vùng đất chiếm đóng. Ngoại trưởng Dmytro Kuleba trong một cuộc điện đàm hiếm hoi với đồng nhiệm Trung Quốc Tần Cương đã nhấn mạnh đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Phát biểu của giới chức Ukraina nói trên trên CNBC có thể coi là một thông điệp gián tiếp của chính quyền Kiev gửi đến Trung Quốc. Đã từng có một số hy vọng đặt vào cuộc đối thoại Zelensky – Tập Cận Bình. Chính phía Mỹ, trước chuyến công du Nga của ông Tập, cũng đã thúc đẩy Tập Cận Bình đối thoại với Zelensky để Trung Quốc ‘‘trực tiếp nghe lập trường của Ukraina chứ không phải chỉ của phía Nga’’. Tuy nhiên cơ hội có lẽ đã qua. Tại Matxcơva, hôm 21/03, điện Kremlin tuyên bố Trung Quốc và Nga không bàn đến kế hoạch hòa bình do Ukraina đề xuất. Cùng ngày, phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Nhà Trắng John Kirby đã đưa ra bình luận dữ dội nhất từ Mỹ, từ trước đến nay, về kế hoạch hòa bình của Trung Quốc, với nhận định : Bắc Kinh chỉ ‘‘lặp lại các tuyên truyền của Nga’’. Trung Quốc bắt cá hai tay, Ukraina kiên nhẫn Trả lời báo Business Insider, ông Robert Daly, giám đốcViện Kissinger về Trung quốc và Mỹ, ở Washington, nhận định trên thực tế ‘‘Kế hoạch hòa bình của Tập Cận Bình đã bị Ukraina bác bỏ’’, nhưng mục tiêu của lãnh đạo Trung Quốc khi đưa ra kế hoạch nói trên không phải là nhằm vào chính quyền Kiev hay các nước phương Tây mà là để chinh phục công luận trong nước và các nước đang phát triển mà Trung Quốc đang xây dựng các liên minh rộng lớn thông qua các hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng. Bắc Kinh cũng để mắt đến các hợp đồng tái thiết béo bở ở Ukraina sau chiến tranh, một cuộc xung đột kéo dài tại Ukraina có thể có lợi cho Trung Quốc. Trong khi đó cánh cửa ngoại giao Ukraina và nhiều nước phương Tây vẫn để ngỏ với Trung Quốc. Lý do chính có lẽ không phải để hy vọng Trung Quốc làm trung gian hòa bình, mà để Trung Quốc không gắn chặt hơn với Nga, trực tiếp hậu thuẫn Matxcơva về quân sự. Chính quyền Ukraina chắc chắn không ngây thơ gì trước lập trường bắt cá hai tay của Trung Quốc. Cuối tháng 2/2023, nhân dịp một năm cuộc chiến xâm lược của Nga, cũng là một năm Trung Quốc chưa một lần lên án cuộc xâm lăng, trả lời báo Đức Die Welt, tổng thống Ukraina nhận định: ‘‘Đối với chúng tôi, điều quan trọng là Trung Quốc không hỗ trợ Liên Bang Nga trong cuộc chiến này’’, “Thực ra, tôi muốn họ đứng về phía chúng ta. Tuy nhiên, tại thời điểm này, tôi không nghĩ rằng điều đó là có thể’’, nhưng tôi thấy có cơ hội để Trung Quốc đưa ra đánh giá mang tính thực tế về những gì đang xảy ra ở đây’’. Tổng thống Ukraina nhấn mạnh : ‘‘Bởi nếu Trung Quốc liên minh với Nga, một cuộc chiến tranh thế giới sẽ bùng nổ, và tôi nghĩ rằng Trung Quốc hiểu điều đó’’ (Asia Financial dẫn lại). Báo Ukraina Ukinform hôm nay 25/03 cho hay, tổng thống Zelensky cho biết chưa nhận được bất cứ đề xuất nào để tổ chức đàm phán với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (trả lời phỏng vấn báo Nhật The Yomiuri Shimbun). Tổng thống Ukraine thông báo đã yêu cầu Trung Quốc hợp tác về kế hoạch hòa bình 10 điểm do phía Ukraina đề xuất. Ông Zelensky bày tỏ ‘‘sự hoài nghi về kế hoạch 12 điểm của Trung Quốc’’. An ninh ‘‘Ấn Độ - Thái Bình Dương’’ gắn liền với ‘‘Châu Âu – Đại Tây Dương’’ Cũng cùng thời điểm với chuyến công du của ông Tập, thủ tướng Nhật bất ngờ có chuyến công du Ukraina. Chuyến đi được giữ bí mật đến trước khi thủ tướng Nhật Fumino Kishida lên tàu hỏa từ Ba Lan sang Kiev ngày 21/03 (trong lúc tối hôm trước ông còn ở Nhật tham dự một diễn đàn). Điều được truyền thông loan tải rộng rãi là chuyến viếng thăm của thủ tướng Kishida đến thị trấn Bucha, biểu tượng cho các tội ác của quân đội Nga tại Ukraina và các tuyên bố của thủ tướng Nhật khẳng định Nhật Bản sát cánh với Ukraina trong cuộc chiến chống xâm lăng. Một sự kiện ít được chú ý hơn nhiều là việc Ukraina và Nhật Bản ký kết thỏa thuận nâng cấp hợp tác lên tầm Quan hệ Đối tác Đặc biệt (Special Global Partnership). Trong cam kết hợp tác chung này, hai bên ghi nhận ‘‘mối quan hệ mật thiết giữa an ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương và an ninh châu Âu – Đại Tây Dương’’. ''Biển Đông'': Ukraina đã quyết định chọn bên Tuyên bố chung Ukraina – Nhật khẳng định ‘‘mạnh mẽ chống lại bất cứ nỗ lực dùng sức mạnh thay đổi nguyên trạng nào tại Biển Đông và Biển Hoa Đông’’, ‘‘cổ vũ cho giải pháp hòa bình giữa hai bờ eo biển Đài Loan’’, nỗ lực vì một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở (FOIP), dựa trên cơ sở luật pháp. Lâu nay Trung Quốc vốn coi Biển Đông là ao nhà, với tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển. Bắc Kinh thường xuyên lên án các tiếng nói quốc tế chống lại bá quyền Trung Quốc tại Biển Đông. Việc Ukraina cam kết hợp tác với Nhật Bản vì các mục tiêu như trên cho thấy, nếu như Trung Quốc đã chọn, chọn đứng về phía xâm lăng trong cuộc chiến tại Ukraina, thì Ukraina cũng chọn bên, bên bảo vệ tự do, kháng cự các thế lực độc đoán quy mô toàn cầu, một mặt trận đang hình thành, mà cuộc chiến tự vệ của người Ukraina chống xâm lược Nga là phần nổi bật, phần dữ dội nhất. Cam kết hợp tác Ukraina – Nhật Bản nói trên được lãnh đạo hai nước bất ngờ ký kết trùng vào ngày tại Matxcơva, Tập Cận Bình và Putin ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác, trong đó cuộc xâm lăng của Nga tại Ukraina đã hoàn toàn bị làm lơ. Thái độ đứng hẳn về phía Nga của Trung Quốc như trên phải chăng chính là động lực trực tiếp của chuyến đi cấp tốc của thủ tướng Nhật đến Kiev, và quyết định của Ukraina đứng hẳn về phía liên minh các quốc gia dân chủ chống độc tài xuyên châu lục đang hình thành. Thổ Nhĩ kỳ và Ai Cập  nối lại quan hệ sau 10  năm gián đoạn Không chỉ Iran và Ả Rập Xê Út nối lại quan hệ. Cục diện địa chính trị ở Trung Cận Đông đang thay đổi. Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập lạnh nhạt từ 10 năm nay đang nối lại quan hệ. Ngày 18/03/2023 vừa qua, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tới Ai Cập. Tại Cairo, lãnh đạo ngoại giao hai bên tuyên bố sẽ nối lại quan hệ ở cấp đại sứ càng sớm càng tốt. Thông tín viên Alexandre Buccianti tường trình từ Cairo: ‘‘Tâm điểm của tranh chấp Cairo-Ankara năm 2013 là việc quân đội phế truất tổng thống Mohamad Morsi của Tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo. Tổng thống Thổ  Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan đã tố cáo ‘‘một cuộc đảo chính quân sự’’. Tổng thống Erdogan đã biến Istanbul thành trụ sở của Tổ chức Huynh Đệ  Hồi giáo lưu vong, những người phản đối chế độ của tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sissi. Thổ Nhĩ Kỳ - Ai Cập thậm chí suýt nữa đụng độ vũ trang ở Libya, nơi Cairo và Ankara ủng hộ các phe phái đối địch. Mối quan hệ bắt đầu được cải thiện vào năm 2022 và hai tổng thống Erdogan và Sisi đã gặp nhau ở Doha bên lề giải World Cup. Cairo đặt ra hai điều kiện để bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Ankara: vô hiệu hóa Tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo và các phương tiện truyền thông của tổ chức này phát sóng từ Istanbul và sửa đổi thỏa thuận về tuyến đường phân định khu vực đặc quyền kinh tế giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Libya, đã không tính đến vùng biển của Ai Cập’’. Chống luật cải tổ hưu trí ở Pháp: Phong trào gia tăng, bạo lực bên lề tăng mạnh Phong trào phản kháng chống luật hưu trí tại Pháp gia tăng sau khi chính phủ dùng điều 49.3 của Hiến pháp để áp luật. Bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc Hội chỉ thiếu 9 phiếu là lật đổ chính phủ. Phát biểu của tổng thống hôm 22/03 dường như đã không xoa dịu được đông đảo người dân. Trong cuộc biểu tình toàn quốc ngày 23/03, bạo lực bên lề các cuộc biểu tình gia tăng, theo ghi nhận của truyền thông. Phóng sự của thông tín viên Amélie Beaucour từ một cuộc tuần hành ở Paris hôm 23/03: ‘‘Đây là một cuộc biểu tình chống lại việc chính phủ áp đặt luật, và chống lại các tuyên bố của tổng thống Emmanuel Macron. Joelle, một người mới về hưu, tham gia vào đoàn biểu tình chiều nay, cho biết bà rất ngạc nhiên về quy mô của phong trào phản kháng. ‘‘Tôi xin nói là tôi đã đi biểu tình từ khi còn mới 6 tuổi, mẹ tôi đưa tôi đi trên xe đẩy, gia đình tôi là một gia đình tranh đấu. Tôi thấy là tổng thống Macron đã khiến mọi người nổi giận sau phát biểu hôm qua. Trả lời câu hỏi của phóng viên : Bà nhìn nhận thế nào về diễn biến phong trào phản kháng hiện nay ? Joelle đáp : ‘‘Tôi mong muốn là mọi việc diễn biến tích cực, nhưng như bạn thấy họ kiên quyết chống lại bởi vì ông ta quá kiêu ngạo. Thật là đáng tiếc khi châm lửa vào thuốc súng. Người dân phẫn nộ rồi. Như vậy, có thể sẽ có leo thang, bạo lực… Thật là đáng tiếc! Chúng ta đang đi đến chỗ này đây!’’. Các hành động bạo lực - vượt khỏi khuôn khổ chính thức của biểu tình, do các nghiệp đoàn chủ trì - có nguy cơ tăng vọt trong những ngày tới. Chuyện đã bắt đầu xảy ra ngay tại một số đoạn đoàn biểu tình đi qua, nơi thùng rác bị đốt, và các lực lượng an ninh nhiều lần can thiệp’’.
    3/25/2023
    9:41
  • Trung Quốc, ông chủ mạng cáp quang ở Biển Đông
    Tình hình nước Pháp sôi động vì dự luật cải tổ chế độ hưu bổng gây bất mãn trong công luận 500 ngày trước lễ khai mạc Olympic Paris 2024. Tại Vatican, giáo hoàng Phanxicô kỷ niệm 10 năm đứng đầu Tòa Thánh. Chủ tịch Trung Quốc chuẩn bị công du Nga, sự kiện ngoại giao quan trọng nhất tại Matxcơva từ khi Putin đưa quân xâm chiếm Ukraina. Bắc Kinh áp đặt luật chơi với các tập đoàn trang thiệt bị cáp quang ở toàn khu vực Biển Đông.   Lo ngại bị dọ thám, Trung Quốc áp đặt những điều kiện khắt khe với các tập đoàn trang bị hệ thống cáp quang ở Biển Đông. Báo tài chính Anh Financial Times ngày 13/03/2023 trích dẫn một báo cáo cho biết dự án lắp đặt mạng cáp quang Đông Nam Á-Nhật Bản SJC2 bị chậm trễ mất hơn một năm. China Mobile cùng tham gia dự án với các đối tác Mỹ (Meta) và Đài Loan (Chunghwa Telecom). Theo báo cáo nói trên, Bắc Kinh chậm trễ trong việc cấp giấy phép hoạt động cho liên doanh Mỹ-Trung-Đài, vì sợ đây là cổng vào để các doanh nghiệp nước ngoài dọ thám Trung Quốc và Bắc Kinh cũng sợ « thiết bị của nước ngoài được lắp đặt gần » lãnh thổ, lãnh hải quốc gia. Theo lời một cựu quan chức Hải Quân Hoa Kỳ Brian Clark được tờ báo trích dẫn : « Trung Quốc tìm cách tăng cường kiểm soát các hoạt động dưới lòng biển trong khu vực (...) một phần là tránh để bị các hệ thống giám sát của Mỹ đến gần (..). Bắc Kinh đồng thời muốn biết chính xác vị trí lắp đặt các cơ sở hạ tầng dân sự vùi sâu trong lòng biển » để có thể thống kê những trang thiết bị đó. Nhằm thỏa mãn những điều kiện của Bắc Kinh, vẫn báo tài chính Mỹ FT cho rằng liên doanh Mỹ-Đài Loan và Trung Quốc đã phải « thay đổi lộ trình lắp đặt cáp quang, tránh né các vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc và kể cả các vùng biển mà Bắc Kinh khẳng định chủ quyền ở Biển Đông ». Riêng với Đài Loan Trung Quốc không chỉ điều chiến đấu cơ hay tổ chức tập trận để uy hiếp hòn đảo này. Tháng 2/2023 nhiều tàu Trung Quốc –khi thì là tàu cá, lúc thì là tàu chở hàng đã cắt cáp quang dưới lòng biển nối liền một số đảo của Đài Loan với nhau. Mạng Internet qua đó bị gián đoạn. Báo Financial Times lưu ý trong 6 ngày, hệ thống internet đã bị « cắt đứt đến 2 lần » có dấu hiệu đó là những sự cố « cố tình gây nên ». Hiện tại 15 đường dây cáp dưới lòng biển nối liền Đài Loan với thế giới bên ngoài. Một dự án quan trọng khác đang được triển khai để nối liền Singapore- Nhật Bản- đảo Guam nơi có căn cứ quân sự của Hoa Kỳ- Philippines Đài Loan và Indonesia. Dự án này trên nguyên tắc sẽ hoàn tất trước năm 2024. Trung Quốc và Bắc Triều Tiên hâm nóng quan hệ Nhật - Hàn Thượng đỉnh Nhật-Hàn đầu tiên từ 12 năm nay đã diễn ra tại Tokyo. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã có một bước tiến lớn trên con đường bình thường hóa quan hệ, hóa giải những bất đồng trong quá khứ từ thời Nhật Bản đô hộ bán đảo Tiều Tiên. Ngày 16/03/2023 vào lúc hai ông Kishida và Yoon họp ở Tokyo, tại Bình Nhưỡng, Kim Jong Un cho bắn thử tên lửa xuyên lục địa ra biển Nhật Bản. Đe dọa nguyên tử Bắc Triều Tiên và tham vọng của Trung Quốc với khu vực, tình hình eo biển Đài Loan là động lực thúc đẩy Seoul và Tokyo « nối lại con tàu ngoại giao ».  Thông tín viên RFI Frédéric Charles cho biết :   « Nhật Bản biết rằng 60 % dân Hàn Quốc không tán đồng tổng thống Yoon Suk Yeol công du Tokyo. Lý do chính là vì hiềm khích trong quá khứ lịch sử liên quan đến thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ 1910 đến 1945. Cảm kích trước chính sách thân thiện của tổng thống Hàn Quốc, Nhật chấm dứt vòng luẩn quẩn từ những hiềm khích song phương giữa hai nước láng giềng rất gần gũi về mặt địa lý nhưng lại quá xa cách nhau vì quá khứ lịch sử. Nguy cơ Bắc Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân để đã thúc đẩy đôi bên thắt chặt quan hệ. Căng thẳng với Trung Quốc cũng là một lý do đẩy mạnh hợp tác song phương về mặt an ninh. Seoul và Tokyo cam kết trao đổi trực tiếp thông tin về các vụ Bình Nhưỡng bán tên lửa. Từ lâu nay Hoa Kỳ thúc đẩy hai đồng minh thân thiết tại châu Á khép lại các xung khắc. Thủ tướng Fumio Kishida sẽ viếng thăm Seoul và rất có thể ông mời tổng thống Hàn Quốc đến dự thượng đỉnh G7 vào tháng 5 này tại Hiroshima » . Chuyến công du nước Nga gây nhiều chú ý của Tập Cận Bình Hơn một tuần sau khi được Quốc Hội chính thức bầu lại vào chức vụ chủ tich nước thêm một nhiệm kỳ thứ ba, ông Tập Cận Bình dành chuyến xuất ngoại đầu tiên để đến Matxcơva, hội kiến với tổng thống Nga Vladimir Putin. Chuyến viếng thăm cấp Nhà nước của lãnh đạo Trung Quốc mở ra từ 20 đến 22/03/2023. Giới quan sát nói đến sự kiện ngoại giao quan trọng nhất trên lãnh thổ Nga từ khi điện Kremlin khởi động chiến tranh Ukraina. Thông tín viên RFI Anissa El Jabri tại Matxcơva đưa tin : « Không khí phấn khởi tại Nga thấy rõ sau thông báo sáng 17/03/2023. Mọi người tự hỏi không biết chủ tịch Trung Quốc sẽ chọn cư ngụ tại khách sạn sang trọng nào ở thủ đô Matxcơva. Về phía Bắc Kinh, luôn khẳng định thái độ trung lập trong cuộc xung đột, tháng trước Trung Quốc đã trình bày kế hoạch hòa bình gồm 12 điểm. Trong thông cáo chính thức về chuyến đi của ông Tập, Bắc Kinh nói đến ‘mục tiêu vì tình hữu nghị và hòa bình’. Về phía Matxcơva, điện Kremlin coi đây, là một hoạt động biểu hiện ‘việc đẩy mạnh đối tác toàn diện và một mối hợp tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc’, đặc biệt là trên ‘sân khấu quốc tế’. Ngoài ra đôi bên sẽ ký kết nhiều hợp đồng quan trọng. Đây là dấu hiệu cụ thể của tình hữu nghị vô bờ bến giữa Matxcơva với Bắc Kinh từng được phô trương bên lề Thế Vận Hội Mùa Đông ở Bắc Kinh hồi năm ngoái, chỉ vài ngày trước khi tổng thống Vladimir Putin đưa quân xâm chiếm Ukraina. Tuy nhiên cũng có một tiếng nói bất đồng. Trong số rất nhiều các chương trình được phát đi sáng nay, một chuyên gia Nga đã lưu ý rằng, ‘Trung Quốc chỉ có một đồng minh mà thôi đó là chính bản thân họ. Bắc Kinh cũng chỉ có một ưu tiên, đó là những lợi ích quốc gia, và Trung Quốc hoàn toàn không có nghĩ đến ai khác’. Phát biểu này đã khiến các vị khách mời của chương trình truyền hình nói trên hơi hoang mang ». Giáo hoàng Phanxicô 10 năm lãnh đạo Vatican Ngày 13/03/2023 đánh dấu đúng 10 năm hồng y người Achentina Jorgio Mario Bergoglio lãnh đạo tòa thánh Vatican dưới tông hiệu Phanxicô, để tưởng nhớ vị thánh cùng tên của thành Assisi vị thánh của những người nghèo. Nâng đỡ người nghèo là kim chỉ nam của giáo hoàng thứ 266 trong lịch sử và cũng là người đầu tiên từ châu Mỹ Latinh đến. Những người đầu tiên được tiếp xúc với giáo hoàng Phanxicô là những thuyền nhân trôi dạt vào đảo Lampedusa, miền nam nước Ý. Giáo hoàng Phanxicô với những tuyên bố thẳng thắn đã không ngần ngại nêu lên những chủ đề thường được những người tiền nhiệm tránh né, như ly hôn, đồng tính ... Trong 10 năm lãnh đạo tòa thánh ngài cũng đã phải đối mặt với nhiều tai tiếng của giáo hội Công Giáo trong đó có nạn ấu dâm trực tiếp liên quan đến một chức sắc trong giáo hội ở Mỹ, Úc, Đức hay Pháp ... : « Tôi không thể lặng im trước một vết thương trong thời đại của chúng ta, khốn khổ thay đã liên quan đến một số trong hàng giáo phẩm. Các vụ lạm dụng trẻ vị thành niên là một trong những tội ác hèn hạ và tai hại nhất »” Trong 10 năm qua giáo hoàng Phanxico đã không quản ngại công sức mở rộng vòng tay và đối thoại với các tôn giáo khác. Ngài đã có chuyến tông du đến các quốc gia Hồi Giáo như Irak, hay Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, bắc nhịp cầu với giáo hội Chính Thống Giáo ... Nhưng trong mắt một số người, giáo hoàng Phanxico vẫn còn quá bảo thủ chẳng hạn như đến nay phụ nữ vẫn chưa được phong hồng y và Vatican tránh đề cập đến hôn nhân của người đồng tính. 500 ngày trước Thế Vận Hội Olympic Paris 2024 : Ban tổ chức ráo riết tìm nguồn tài trợ 500 ngày trước lễ khai mạc Thế Vận Hội Olympic Paris2024, ngân sách của các nhà quảng cáo cho sự kiện thể thao trọng đại này vẫn còn thiếu 200 triệu euro. Tính đến ngày 14/03/2023 đã có khoảng 30 tập đoàn lớn tham gia. Trong số này có tập đoàn điện lực quốc gia EDF, hãng dược phẩm Sanofi hay hệ thống siêu thị Carrefour... các bên cam kết 900 triệu euro cho Olympic 2024. Để cân bằng sổ sách ở khâu quảng cáo Ủy ban tổ chức Olympic Paris- CoJo chỉ có 10 tháng để tìm ra thêm ít nhất là 200 triệu. Một trong những nguồn tài trợ lớn để biến Olympic Paris 2024 thành tủ kính của các thương hiệu Pháp, là tập đoàn dầu khí TotalEnergies, thì từ 2019 hãng này đã bỏ cuộc. Lý do đô trưởng Paris Anne Hidalgo muốn một mùa Olympic Xanh và Sạch và không muốn có dấu ấn của năng lượng hóa thạch. Hiềm nỗi TotalEnergies có ngân sách khá lớn và luôn là một nguồn hào phóng với các sự kiện thể thao không chỉ ở Pháp mà cả trên thế giới. CoJo dự trù thuyết phục được các doanh nghiệp đóng góp tối thiểu 1,2 tỷ euro cho ngân sách chung dự trù lên tới gần 4 tỷ để Paris có một mùa Olympic đáng ghi nhớ. TotalEnergies đã quay lưng lại với Olympic Paris 2024. Ông vua ngành thời trang hạng sang LVMH cũng dửng dưng với sự kiện này. Từ Ủy ban tổ chức Thế Vận Hội Paris đến chính phủ đều đang cố gắng thuyết phục nhà tỷ phú Bernard Arnault, chủ nhân của LMVH, gắn liền hình ảnh của những nhãn hiệu như Louis Vuitton, Moët- Hennessy với Olympic Paris 2024. Trước mắt LVMH còn thận trọng, nhất là khi hình ảnh của nước Pháp lúc này trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, trong mắt các du khách nước ngoài muốn đến Paris. Từ ngày 19/01/2023 một phần dân Pháp liên tục xuống đường chống đối dự luật cải tổ hưu bổng. Điển hình là cuộc tập hợp đêm 16/03/2023 tại Quảng Trường Concorde, gần Quốc Hội, sau khi chính phủ dùng điều khoản 49.3 trong Hiến Pháp của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa để thông qua dự luật kéo dài thêm 2 năm tuổi lao động. Đặc phái viên RFI Pierre Olivier có mặt tại chỗ tường thuật và cho thấy tình hình có vẻ căng thêm nữa trong những ngành tới. « Trong chưa đầy một giờ, hàng trăm rồi hàng ngàn người tập hợp về Quảng Trường Concorde. Một người biểu tình cho biết khi tan trường anh hay tin chính phủ dùng điều khoản 49.3 thông qua dự luật cải tổ hưu bổng. Quá phẫn nộ, thanh niên này đến đây để phản đối. Chỉ cách tòa nhà Quốc Hội vài trăm thước, cảnh sát bảo vệ an ninh chặt chẽ. Người biểu tình càng lúc càng đông. Một người nói : ‘ Ở đây đông người điều đó chứng tỏ công luận phẫn nộ và điều khoản 49.3 lại càng gây thêm bức xúc, người ta lại càng có lý do để làm tê liệt đất nước’. Bao nhiêu phẫn nộ của người biểu tình trút lên tổng thống Emmanuel Macron. Một phụ nữ trẻ giải thích sẽ trở lại đây ăn mừng khi mà chính phủ của thủ tướng Borne bị lật đổ. Theo cô chính phủ hoàn toàn chối bỏ tính dân chủ của nghị trường. Cô nói ‘ngay cả dự luật cải tổ này ông Macron cũng đã thất bại khi mà không thể đưa ra biểu quyết tại Quốc Hội. Đây là một cú tát tai, thêm một cú nữa đối với chính phủ’. Hàng ngàn người biểu tình tin rằng với việc sử dụng điều khoản 49.3 để thông qua dự luật cải tổ hưu bổng, chính phủ đã thành công trong một việc đó là huy động người dân xuống đường để chống lại luật này ».
    3/18/2023
    9:18
  • Máy chế tạo chíp: Quyết định cấm xuất của Hà Lan, đòn đau với Trung Quốc
    Hà Lan quyết định siết chặt xuất khẩu máy sản xuất chíp điện tử cao cấp sang Trung Quốc, để hưởng ứng chủ trương của Mỹ. Philippines mở chiến dịch tố cáo các hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Phát biểu xuyên tạc sự thật về chiến tranh ở Ukraina của ngoại trưởng Nga bị chê cười tại hội nghị ở Ấn Độ. Nhân dịp 08/03, để thúc đẩy bình đẳng giới, quốc gia châu Âu Ireland ra quyết định trưng cầu dân ý xét lại điều khoản bất bình đẳng giới, về ''vai trò của phụ nữ trong gia đình'' của Hiến pháp trước Thế chiến 2. Trên đây là các chủ đề chính của tạp chí Thế giới Đó đây trung tuần tháng 3/2023. *** Hà Lan đứng hẳn về phía Hoa Kỳ trong cuộc chiến chíp bán dẫn với Trung Quốc. Ngày 08/03 vừa qua, chính phủ Hà Lan khẳng định sẽ áp đặt kiểm soát đối với việc xuất khẩu máy chế tạo chíp điện tử tiên tiến nhất. Đây là lần đầu tiên La Haye chính thức đưa ra quyết định như vậy, kể từ khi Hoa Kỳ đưa ra chính sách xây dựng liên minh quốc tế ngăn chặn xuất khẩu công nghệ bán dẫn cao cấp sang Trung Quốc. Từ hơn một năm nay, chính quyền Biden đã tìm cách thuyết phục Hà Lan, cùng với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, tham gia mặt trận chíp bán dẫn chống Trung Quốc. Sau nhiều tháng lưỡng lự, cuối tháng 1/2023 vừa qua, chính quyền Hà Lan đã đồng ý về nguyên tắc, nhưng từ đó đến trước thông báo ngày 08/03, La Haye đã tránh đưa ra các bình luận. Trả lời RFI, bà Mary-Françoise Renard, Viện Nghiên cứu về Kinh tế Trung Quốc (IDREC) nhận định : ‘‘Điều này gây tổn thất cho Trung Quốc bởi năng lực sản xuất chíp bán dẫn của Trung Quốc hiện đang ở mức thấp hơn so với các doanh nghiệp Mỹ, Hà Lan, hay Đài Loan. Như vậy, việc tước đi sản phẩm này khiến Trung Quốc phải mất nhiều thời gian hơn nữa để khắc phục tình trạng tụt hậu hiện nay. Có nghĩa là Trung Quốc phải tự làm ra được các công nghệ mới’’. Việc siết chặt xuất khẩu máy chế tạo linh kiện bán dẫn cao cấp liên quan trực tiếp đến các linh kiện ''lưỡng dụng'', dân sự - quân sự, có thể được sử dụng để chế tạo các vũ khí hay phương tiện quân sự có độ chính xác cao. Thông báo của bộ trưởng Ngoại Thương Liesje Schreinemacher gửi đến các nghị sĩ Hà Lan nhấn mạnh : ‘‘Căn cứ vào sự phát triển công nghệ và bối cảnh địa chính trị, chính phủ quyết định, vì lý do an ninh quốc gia, cần phải mở rộng quy định hiện hành đối với việc kiểm soát xuất khẩu một số thiết bị chế tạo linh kiện bán dẫn đặc biệt’’. Cỗ máy ‘‘gây thèm muốn nhất thế giới’’ Thông báo của Hà Lan không chỉ đích danh Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh là đối tượng chính. Trong lá thư gửi Quốc Hội, bộ trưởng Thương Mại Hà Lan khẳng định rõ việc kiểm soát bao gồm các máy in chíp với tia cực tím (DUV), tức loại máy đặc dụng để chế tạo các chíp bán dẫn nhỏ nhất. Đối tượng bị hạn chế xuất khẩu không ai khác hơn chính là công ty Hà Lan ASML. ASML là công ty như thế nào? Công ty Hà Lan với khoảng 39.000 nhân viên nằm ở Veldhoven, một khu vực không có gì đặc biệt hấp dẫn tại vùng biên giới Hà Lan – Bỉ, trên thực tế, chính là một doanh nghiệp tầm cỡ toàn cầu. Mỗi chiếc máy chế tạo chíp cao cấp của ASML tuy ‘‘chỉ’’ có giá 160 triệu đô la, nhưng là phần không thể thiếu với thị trường công nghệ thế giới trị giá hàng trăm tỉ đô la. Các công nghệ đỉnh cao của thế giới không thể có được, nếu thiếu mặt hàng chiến lược này. Việc ASML đứng về phía Hoa Kỳ có nghĩa quyết định trong cuộc chiến bán dẫn Mỹ - Trung. Điều đáng chú ý là ASML nắm đến ‘‘80% thị trường thế giới máy công cụ chế tạo chíp, và 100% máy công cụ tiên tiến nhất’’, theo lãnh đạo ASML. Năm khách hàng chính của ASML là công ty Đài Loan TSMC (chiếm 60% thị trường), tập đoàn Samsung (13%), hai công ty Trung Quốc UMC và Smic (11%) và công ty Mỹ GlobalFoundries (6%). Theo giáo sư Douglas Fuller, Đại học Copenhagen, một chuyên gia về công nghệ Đông Á, việc mất nguồn công nghệ cao cấp này buộc Trung Quốc phải mất ‘‘ít nhất khoảng 10 năm và rất nhiều tiền để có thể bắt chước được’’. Công nghệ chế tạo máy in thạch bản chíp bán dẫn của ASML hiện được coi là cỗ máy công nghiệp ‘‘bị nhòm ngó nhất thế giới’’ (Le Point). Giữa tháng 2 vừa qua, một trong số 1.500 nhân viên của một chi nhánh Trung Quốc của ASML bị bắt quả tang đánh cắp dữ liệu mật. Đây là điều không gây ngạc nhiên. Tổng giám đốc Peter Wennink cho biết công ty đầu tư khoảng 100 triệu đô la hàng năm cho bảo mật, với sự tham gia của hàng trăm công tác viên. Tổng giám đốc Peter Wennink tự hào gọi đây là ''cỗ máy phức tạp nhất thế giới". Đánh cắp bí mật hoàn toàn không dễ. Để làm chủ công nghệ chế tạo máy này, chỉ riêng về phần laser của một chiếc DUV, các gián điệp sẽ phải ''nhận dạng và nắm bắt được cách lắp ráp hoàn hảo 457 329 bộ phận''. ‘‘Chiến tranh Lạnh’’ chất bán dẫn: Châu Âu nhập cuộc Trên thực tế, không phải đợi đến quyết định ngày 08/03/2023. Ngay từ năm 2019, ASML đã không được phép xuất khẩu máy công cụ in thạch bản tia cực tím cao cấp nhất sang Trung Quốc. Khách hàng chủ yếu của ASML là TSMC Đài Loan, nhà sản xuất linh kiện bán dẫn siêu nhỏ số một thế giới. Cuộc chiến tranh Lạnh về chất bán dẫn với Trung Quốc đã bắt đầu. ASML không chỉ là át chủ bài của Hà Lan, mà còn là của cả châu Âu trong cuộc chiến công nghệ. Nhiều nước châu Âu cũng có thể áp dụng quy định hạn chế xuất khẩu tương tự như Hà Lan. Châu Âu đã tăng tốc trong việc đầu tư vào ngành công nghiệp then chốt bán dẫn từ năm ngoái với kế hoạch Chips Act, với khoảng 45 tỉ đô la từ đây đến 2030, để bớt phụ thuộc vào châu Á. Hôm 03/03, tập đoàn Mỹ Apple đầu tư thêm 1 tỉ đô la vào một cơ sở sản xuất chíp tại Munich, Đức, trung tâm công nghệ cao, thường được coi là ''Silicon Design Center'' của châu Âu. Apple cũng dự kiến xây dựng thêm ba cơ sở nghiên cứu về phát triển các sản phẩm công nghệ cao tại Đức. Biển Đông: Philippines mở chiến dịch tố cáo thủ đoạn của Trung Quốc Không để Trung Quốc tiếp tục lấn lướt tại Biển Đông là chủ trương của chính quyền Philippines gần đây. Đầu tuần qua, Tuần Duyên Philippines mở chiến dịch truyền thông tố cáo Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông, nhằm gây sự chú ý quốc tế. Hãng tin Mỹ AP dẫn lời của tư lệnh lực lượng tuần duyên Philippines hôm thứ Tư 08/03. Tại một diễn đàn về các hoạt động của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, tổ chức tại Manila, thiếu tướng Jay Tarriela khẳng định: ‘‘Tôi muốn nhấn mạnh rằng cách tốt nhất để hóa giải các hoạt động trong ‘‘vùng xám’’ của Trung Quốc ở Biển Tây Philippines (tức Biển Đông) là phơi bày chúng’’. Chỉ huy Tuần Duyên Philippines tố cáo các biện pháp sử dụng các tàu cá, hoạt động mang danh nghiên cứu khoa học, hay các hành xử hung hăng của lực lượng tuần duyên Trung Quốc tại các vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, tức các khu vực mà Trung Quốc cố tình tạo ra cái gọi là vùng tranh chấp, hay ‘‘vùng xám’’, đặc biệt với việc sử dụng tia laser, nguy hiểm cho mắt người. Theo chỉ huy Tuần Duyên Philippines, với việc công bố các hình ảnh và video về các thủ đoạn gây hấn của Trung Quốc, “các hành động trong bóng tối của Trung Quốc giờ đây đã bị lộ diện, điều này khiến họ buộc phải nói dối công khai.” Áp lực Trung Quốc buộc Philippines ''đừng gây thêm rắc rối'' Đại tá không quân Mỹ nghỉ hưu Raymond Powell, chuyên nghiên cứu về các chiến lược của Trung Quốc, đã ca ngợi những nỗ lực của tuần duyên Philippines trong việc tố cáo Trung Quốc, nhưng cảnh báo rằng chính phủ Philippines sẽ phải chịu nhiều áp lực của Bắc Kinh, buộc Manila “đừng gây ra quá nhiều rắc rối, đừng công khai thêm’’. Hành động của chỉ huy Tuần Duyên Philippines như trên cho thấy Manila không lùi bước. Theo tư lệnh Tuần Duyên Philippines, lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines có sứ mạng phát ngôn cho lập trường chống lại việc Trung Quốc bành trướng trên biển. Chiến dịch truyền thông như vậy ‘‘cho phép các quốc gia có cùng quan điểm’’ tham gia vào việc lên án và chỉ trích, đặt Bắc Kinh vào ‘‘tâm điểm chú ý”. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã có phản ứng, gọi đây là “hành vi nguy hiểm’’ ‘‘đe dọa trực tiếp đến hòa bình và ổn định khu vực” và “phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như trên toàn bộ Biển Đông, lấn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng như Philippines, Việt Nam và Malaysia. Hoa Kỳ có Hiệp định phòng thủ chung với Philippines. Washington nhiều lần cảnh báo sẽ bảo vệ Philippines, nếu các lực lượng Philippines bị tấn công ở Biển Đông. Ấn Độ: Phát biểu của ngoại trưởng Nga gây cười Ấn Độ cố gắng hòa giải Nga với phương Tây. Sau hội nghị G20, ở New Delhi, Ấn Độ đã mời ngoại trưởng Nga dự hội nghị quốc tế Raisina hôm 04/03, hội nghị đối thoại thường niên do Ấn Độ tổ chức từ 2016. Tại hội nghị, phát biểu của ngoại trưởng Nga Serguei Lavrvov thu hút chú ý, công chúng đã cười rộ trước một phát biểu xuyên tạc của ngoại trưởng Nga về chiến tranh tại Ukraina. Thông tín viên Côme Bastin tường trình từ Bangalore : ‘‘Ngoại trưởng Nga Lavrov tham dự hội nghị đối thoại Raisina, do bộ Ngoại Giao Ấn Độ và Viện Địa Chính trị ORF, trụ sở ở New Delhi, phối hợp tổ chức. Sự tham gia của ngoại trưởng Nga phản ánh mong muốn của Ấn Độ đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và phương Tây, hội nghị diễn ra một ngày sau khi khối G20 không ra được thông cáo chung tại hội nghị ở Bangalore, do bị Nga và Trung Quốc phản đối. Trong phần trả lời các câu hỏi của khán phòng, ông Lavrov thoạt tiên đã được hoan nghênh, khi cáo buộc phương Tây lừa dối : ‘‘Người ta cứ nói rằng Nga đang vi phạm luật pháp quốc tế.Nhưng về phần mình, Hoa Kỳ viện dẫn các mối đe dọa hiện hữu để can thiệp vào khắp nơi trên hành tinh, từ Nam Tư, đến Irak, hay Syria… Nga chỉ đơn giản là can thiệp trong vùng thuộc lãnh thổ của mình.Nếu như đó không phải là chuyện tiêu chuẩn kép, nhất bên trọng, nhất bên khinh, thì tôi không đáng mặt là bộ trưởng.’’ Tuy nhiên, ngoại trưởng Nga cũng đã khiến cử tọa cười rộ khi tuyên bố rằng Ukraina là bên khởi xướng xung đột. Ông Lavrov nói: “Các vị biết đấy, sau cuộc chiến mà chúng tôi đang cố gắng ngăn chặn và cuộc chiến do người Ukraina phát động chống lại chúng tôi… (cười), chúng tôi sẽ không bao giờ dựa vào bất kỳ đối tác nào ở phương Tây nữa.” Phát biểu của ngoại trường là một lời kêu gọi ủng hộ hướng về Ấn Độ, quốc gia nay đã trở thành khách hàng khí đốt chủ yếu của Nga.’’ Trưng cầu dân ý Ireland: Loại bất bình đẳng giới khỏi Hiến pháp Châu Âu vốn được coi là một khu vực mà quyền phụ nữ được khẳng định ở mức độ cao. Điều bất ngờ là tình hình ở quốc gia Tây Âu Ireland không hẳn như vậy. Hôm 08/03, chính quyền Ireland quyết định trưng cầu dân ý vào tháng 11 để sửa đổi một số điều khoản bất bình đẳng giới trong Hiến pháp, đã có từ trước Thế chiến II. Thông tín viên Laura Taouchanov tường trình từ Dublin : ‘‘Hai điều khoản trong Hiến pháp đặt ra vấn đề. Điều 40 và 41 khẳng định vị trí của người phụ nữ là ở trong gia đình, vì vậy Nhà nước cần bảo đảm sao cho họ không bị bắt buộc phải làm việc để bảo đảm rằng họ có thể thực hiện các công việc gia đình của mình. Những lời lẽ này có thể gây sốc với chúng ta, nhưng chúng đã có từ năm 1937, tức thời kỳ mà Ireland chịu ảnh hưởng của một nhánh trong Giáo hội Công giáo có quan điểm rất khắc nghiệt. Do đó, hội nghị công dân Ireland đã yêu cầu thay đổi các điều khoản này từ lâu. Các dòng chữ này sẽ bị xóa và và phải được thay thế bằng các diễn đạt phi giới tính để nói về cuộc sống ở gia đình. Hội đồng công dân Ireland yêu cầu Hiến pháp phải đề cập rõ ràng khái niệm bình đẳng giới và không phân biệt đối xử. Cũng sẽ phải có một thay đổi liên quan đến việc bảo vệ tất cả các gia đình, chứ không chỉ giới hạn ở kiểu gia đình của một cặp vợ chồng (một nam, một nữ). Ireland từ lâu đã bị coi là rất bảo thủ, quốc gia này đã hiện đại hóa trong những năm gần đây. Bằng chứng là những cuộc trưng cầu dân ý về quyền phá thai và kết hôn với các cặp đồng tính, trong đó đa số trường hợp, lá phiếu “có” đã giành phần thắng’’.
    3/11/2023
    9:22
  • Nhật Bản điều tra hối lộ liên quan đến Thế Vận Hội Tokyo 2020
    Doanh nghiệp Nhật gian lận đấu thầu các dự án trong khuôn khổ Thế Vận Hội Tokyo 2020, lạm phát và suy thoái kinh tế ở một số nước châu Âu, Giáo hoàng loại bỏ ưu đãi về bất động sản cho các Hồng y, vụ lật thuyền chở người di dân và công tác cứu hộ chậm trễ của Ý, trên đây là những chủ đề chính trong mục tạp chí thế giới đó đây tuần này.   Gã khổng lồ trong ngành quảng cáo Nhật Bản Dentsu, một trong những doanh nghiệp có thế lực lớn đứng đằng sau Thế Vận Hội Tokyo 2020, đang trở thành tâm điểm của một loạt bê bối tham nhũng, hối lộ, liên quan đến dự án của Thế Vận Hội. Hôm thứ Ba 28/02/2023, Viện Công Tố Nhật Bản đã cáo buộc doanh nghiệp này vi phạm luật cạnh tranh, cho rằng Dentsu và năm doanh nghiệp khác đã có âm mưu trốn tránh quy trình đấu thầu công khai trước Thế Vận Hội.     Theo New York Times, tại Thế Vận Hội Tokyo 2020, Dentsu đã mang lại khoản tiền tài trợ kỷ lục, lên đến 3,6 tỷ đô la, doanh nghiệp này điều phối mọi thứ tại sự kiện, đến từng chi tiết nhỏ nhất. Các cáo buộc của công tố Nhật Bản được đưa ra trong khuôn khổ cuộc điều tra về tham nhũng và hối lộ tại sự kiện thể thao quốc tế này. Thông tín viên RFI Frédéric Charles từ Tokyo, cho biết thêm thông tin :   “Hai nhà quảng cáo khác là Hakuhodo và Tokyu cũng như là các công ty tổ chức sự kiện cũng bị truy tố. Các doanh nghiệp này thông đồng với nhau để kiểm soát việc phân bổ các hợp đồng dịch vụ cho các cuộc thi trước và trong khi Thế Vận Hội diễn ra, vi phạm quy tắc cạnh tranh. Cuộc điều tra chủ yếu nhắm vào Haruyuki Takahashi, một cựu lãnh đạo của Dentsu, cựu thành viên của hội đồng điều hành, tổ chức Thế Vận Hội. Ông đã bị bắt trước đó. Doanh nghiệp tư vấn của ông Takahashi bị cáo buộc đã nhận hối lộ từ nhiều doanh nghiệp muốn trở thành nhà tài trợ Thế Vận Hội và được quyền bán các sản phẩm có logo của sự kiện này.   Nếu như Dentsu là một doanh nghiệp lớn trong giới tiếp thị cho các sự kiện thể thao lớn nhất thế giới, thì đó là nhờ vào ông Haruyuki Takahashi. Trong những năm 1980, ông đã hợp tác cùng nhà sản xuất dụng cụ thể thao Adidas thành lập công ty ISL để nắm độc quyền phát sóng giải Cúp bóng đá thế giới. Sau đó, Dentsu đã mở rộng sự thống trị của mình sang Thế Vận Hội và Liên đoàn Điền kinh Quốc tế. Trong kỳ Thế Vận Hội Tokyo 2020, Dentsu đã được độc quyền các quyền tiếp thị”.   Báo New York Times cho biết, vào tháng 11/2022, người sáng lập Aoki Holdings, Hironori Aoki, nhận tội đã hối lộ khoảng 205.000 đô la cho ông Takahashi. Trong một phiên tòa khác, cựu chủ tịch của công ty tiếp thị ADK thừa nhận đã trả cho ông Takahashi hơn 100.000 đô la khi muốn tìm kiếm cơ hội tiếp thị liên quan đến Thế Vận Hội Tokyo 2020.   Đây không phải là bê bối đầu tiên liên quan đến Thế Vận Hội Tokyo. Vào năm 2016, các nhà chức trách Pháp cho biết đã phát hiện ban tổ chức Olympic Tokyo thực hiện khoản thanh toán lên đến hàng triệu đô la cho một công ty Singapore để giành quyền đăng cai Thế vận hội. Cáo buộc này khiến người đứng đầu Uỷ ban Olympic quốc gia Nhật bản Tsunekazu Takeda phải từ chức, mặc dù ông phủ nhận mọi hành vi sai phạm.   Suy thoái kinh tế ở châu Âu ?   Nhìn sang châu Âu, gần đây, lạm phát tăng trở lại tại khu vực đồng euro. Từ khi thành lập cách đây 20 năm, chưa bao giờ khu vực đồng tiền chung châu Âu lại ghi nhận chỉ số lạm phát cao đến thế. Giá thực phẩm, năng lượng gia tăng  trên khắp Lục địa già. Các nền kinh tế lớn như Pháp, Đức, Ý đều bị ảnh hưởng, lạm phát lên đến 10 % ở một số nước. Tuy nhiên, các nước Bắc và Đông Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Vào tháng Giêng, lạm phát lên đến 18,6 % ở Estonia, 21,4 % ở Litva và 26,2 % ở Hungary. Một số quốc gia hiện đang rơi vào tình trạng suy thoái, như là ở Phần Lan và Thụy Điển.  Thông tín viên RFI Carlotta Morteo cho biết thêm thông tin :    “Các con số không được tốt đẹp lắm nhưng vẫn chưa cần phải quá lo sợ. Tổng sản phẩm quốc nội của Phần Lan đã giảm 0,1 %, và tiếp tục giảm 0,6 % vào quý trước. Các chỉ số của Thuỵ Điển cũng đang giảm, GDP giảm 0,9 %, và chỉ số này được dự báo tiếp tục giảm 0,7 % vào quý sau.   Phải thừa nhận rằng hai nước phụ thuộc vào xuất khẩu, thường nhạy cảm với tình hình kinh tế toàn cầu, nhưng chủ yếu lại là tiêu dùng của các hộ gia đình giảm. Không chỉ vì giá thực phẩm tăng cao, các khoản nợ ngân hàng mà các gia đình phải trả hàng tháng cũng vậy.   Bởi vì người dân Phần Lan và Thụy Điển nằm trong số những người tiêu dùng mắc nợ nhiều nhất ở châu Âu. Nhiều người trong số họ đã vay với lãi suất thả nổi. Do vậy, lãi suất chỉ tăng nhẹ chút cũng có thể cảm nhận được ngay lập tức.   (Tại Phần Lan, lãi suất đã tăng, giống như là trong khu vực đồng euro, nhưng ở Thụy Điển, Ngân hàng Trung ương đang phải hứng chịu nhiều chỉ trích vì đã hành động quá chậm trễ, quá mạnh tay. Ngày nay, lãi suất chỉ đạo đã ở cùng mức với châu Âu, khoảng 3 %, nhưng vào tháng Năm 2022, con số này bằng không. Kể từ đó, giá trị của đồng Krona Thụy Điển đã giảm 10 %).   Về mặt tài chính, những người tiêu dùng Phần Lan và Thụy Điển đã phải thắt lưng buộc bụng hơn nữa, và nhìn chung, ít tin vào tương lai hơn kể từ khi Nga xâm lược Ukraina.   Tuy nhiên, cả hai nước đều muốn lạc quan, không chỉ muốn gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương trước mùa hè, mà còn mong đợi kinh tế tăng trưởng trở lại vào năm 2023.”   Vatican: Các hồng y từ nay phải trả tiền thuê nhà   Vẫn về thời sự châu Âu, hôm thứ Tư, 01/03, trang Vatican News cho biết Giáo hoàng Phanxicô đã quyết định hủy bỏ một số ưu đãi dành cho các hồng y và các quan chức cấp cao tại Vatican : Từ nay họ sẽ không còn chỗ ở miễn phí mà phải trả tiền thuê nhà như mọi người. Thông tín viên RFI Eric Sénanque giải thích thêm :   “Giáo hoàng Phanxicô đã đề ra những quy định mới về mặt tài chính. Kể từ nay, các tài sản bất động sản của Toà Thánh và của Thành quốc Vatican sẽ không được cho miễn tiền thuê nhà hay cho thuê ở mức thấp hơn giá thị trường. Văn bản chỉ rõ rằng đây là một sự hy sinh để cung cấp tài chính nhiều hơn cho sứ mệnh của Toà Thánh, cũng như tăng thu nhập trong việc quản lý các tài sản bất động sản. Các điều khoản mới này liên quan đến các hồng y cũng như tất cả các quan chức cấp cao của Vatican. Quyết định ít ra mang tính biểu tượng này của giáo hoàng Phanxico, trên thực tế, có nguồn gốc từ bộ trưởng Kinh Tế, người Tây Ban Nha ngoại đạo, Maximino Caballero Ledo, chịu trách nhiệm về tài chính Vatican và thúc đẩy sự minh bạch.   Ngoài vấn đề về tài chính, giáo hoàng cũng quan tâm đến việc những người cộng sự thân cận nhất của ngài không quá xa rời thực tế đời sống. Cách đây hai năm, giữa lúc đại dịch, ngài đã giảm 10 % tiền lương hàng tháng của các hồng y, tối đa là 5000 euro ròng, để giảm chi tiêu cho Toà Thánh, đã bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng dịch tễ.”   AFP trích dẫn trang Vatican News, cho biết quyết định này không liên quan tới những hợp đồng thuê nhà vẫn đang có hiệu lực. Tuy nhiên, các hợp đồng này sẽ không thể gia hạn hoặc tái ký nếu không tuân thủ theo quy định mới. Tất cả các trường hợp ngoại lệ đều phải có sự đồng ý của giáo hoàng.  Vatican sở hữu số tài sản bất động sản khổng lồ, trị giá hàng tỷ euro, gồm các căn hộ ở Paris, Luân Đôn Genève hay Roma.     Vụ lật thuyền chở người di dân và công tác cứu hộ chậm trễ của Ý   Vào đầu tuần này, con thuyền Summer Love, chở quá tải người di dân, (lên đến hơn 150 người) đã bị lật, khiến ít nhất 60 người thiệt mạng. Trong khi việc tìm kiếm người mất tích vẫn tiếp diễn dọc theo bờ biển Calabria ở tỉnh Crotone, Ý, nhiều cơ quan đã bị chỉ trích cứu hộ chậm trễ, dẫn đến thảm kịch này. Thông tín viên RFI Anne Le Nir tường trình từ Roma :   “Để hiểu được những trục trặc trong quá trình tìm kiếm cứu hộ, thì cần phải quay trở lại ngày 25/02. Vào lúc 22h30, Cơ quan Bảo vệ Biên giới và Bờ biển Châu Âu (Frontex) đã báo cho chính quyền về sự hiện diện của một chiếc thuyền cách bờ biển Calabria 70 km, di chuyển với vận tốc 6 hải lý trên giờ và trong tình trạng nổi tốt. Thông báo này không cảnh báo bất cứ nguy hiểm nào đối với con thuyền. Không lâu sau đó, cảnh sát kinh tế Guardia di Finanza, dưới sự kiểm soát của bộ trưởng Nội Vụ Ý, Matteo Piantedosi, đã gửi hai con tàu, đậu ở cảng Crotone và Catanzaro ra bắt chặn chiếc thuyền đó.   Tuy nhiên, họ đã quay trở lại vì một cơn bão lớn. Không có hành động nào từ phía cảnh sát biển. Cơ quan này phụ thuộc vào cả bộ Giao thông và bộ Nội Vụ.   Mãi đến 4h30 sáng ngày 26/02, chỉ huy cảnh sát biển ở Crotone, ông Vittorio Aloi đã nhận được một cuộc gọi yêu cầu điều lực lượng đến tìm kiếm và cứu hộ. Đội cứu hộ đến vào lúc 5h30, và đã là quá muộn. Chiếc thuyền chở đầy người di cư đã bị lật.”   Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn ước tính rằng, vào năm 2022, hơn 100.000 người tị nạn đã đến Ý bằng thuyền và gần 1.400 người đã chết khi cố gắng băng qua Địa Trung Hải.   Cái chết của những di dân nói trên, chủ yếu đến từ Afghanistan, Pakistan, Somalia hay các nơi khác, xảy ra khi Ý tăng cường kiểm soát ngăn người di cư vào lãnh thổ bằng đường thuỷ. Tân thủ tướng cực hữu của Ý, bà Giorgia Meloni, đã thể hiện rõ cam kết ban hành luật gây khó khăn hơn cho người di cư vào Ý qua Địa Trung Hải. Tạp chí Time cho biết vào tuần trước Quốc Hội Ý đã thông qua một luật, yêu cầu các tàu tìm kiếm và cứu nạn di dân, của các tổ chức nhân đạo phi chính phủ, hoạt động ở Địa Trung Hải, phải đi đến một cảng được chỉ định, thay vì cảng gần nhất, và bị ngăn cấm đi tìm các tàu gặp nạn. Thuyền trưởng sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 50.000 euro nếu không tuân thủ.
    3/4/2023
    9:30
  • Ukraina đẩy nhanh việc di tản thường dân gần chiến tuyến miền đông
    Gần đến 24/02/2023, tròn một năm ngày Putin phát động cuộc chiến xâm lược nước láng giềng Ukraina, các vùng nằm gần chiến tuyến miền đông Ukraina càng cảm thấy áp lực trước nguy cơ bị quân Nga ồ ạt tấn công trở lại. Tại vùng Kharkiv, nơi đã được giải phóng từ hồi tháng 09/2022, gần Koupiansk, tình hình những ngày qua rất căng thẳng, việc di tản thường dân được đẩy nhanh, nhưng không phải ai cũng đành lòng ra đi, cho dù ở lại là đối mặt với đạn pháo của kẻ thù. Ngày 23/02, đặc phái viên Anastasia Becchio và Boris Vichith gửi về bài phóng sự : « Chiếc xe bus nhỏ của các tình nguyện viên ra dấu báo hiệu là xe đã đến sân trong của tòa nhà. Vài phút sau, một người phụ nữ lớn tuổi với nước da bợt bạt, được hai người đàn ông đỡ lên xe. Khi các vụ pháo kích xảy ra gần hơn, anh Aleksei, con trai bà cụ, cuối cùng đã thuyết phục được bà đến bệnh viện ở Kharkiv. Anh nói : « Pháo kích rất dữ dội. Thật là đáng lo. Ai cũng sẽ thấy sợ thôi, đó cũng là điều bình thường ». Người lái xe là anh Oleksij Reutskij, một tình nguyện viên. Anh cho biết các đề nghị được đi sơ tán đã tăng. Oleksij kể : « Cách nay 1 tháng, mỗi tuần chúng tôi di tản khoảng 20 người. Giờ đây, chỉ riêng trong ngày hôm nay chúng tôi phải đưa 11 người rời khỏi đây. Hầu như ngày nào chúng tôi cũng đến đây. Tình hình đang căng thẳng : Người dân nghe nói là các vụ pháo kích ngày càng dữ dội hơn, ngày càng có nhiều trận giao tranh hơn và kẻ thù đã tiến đến gần ». Trước khi đi đón những hành khách khác, Oleksij đến gặp cha mình, người từ chối rời khỏi một khu vực đặc biệt nguy hiểm. Ông nói : « Tôi sinh ra và được rửa tội ngay ở đây. Còn cha mẹ tôi yên nghỉ phía bên kia con đường ». Oleksij than thở : « Thật khó để đưa ông ấy ra khỏi đây, nhưng chúng tôi đang cố thuyết phục ông rời đi trong vòng hai tuần lễ, cho qua cái khoảng thời gian xung quanh ngày 24/02, bởi vì tất cả mọi người đều đang lo sợ  điều gì đó xảy ra ». Đúng lúc đó, có tiếng đạn pháo vang lên không xa, Oleksij đứng dậy, nói thêm : 'Ấy thế mà ông ấy không muốn rời đi' ». Trường học thời chiến : Học sinh đã quen với còi báo động và hầm trú ẩn Trong khi đó, ngay tại thủ đô Kiev, suốt thời gian qua, mặc dù điện liên tục bị cúp và có nhiều vụ nổ xảy ra, nhưng mọi người vẫn làm hết sức để trẻ em được đến trường. Tuy nhiên, vào cuối tuần này, tại vùng Kiev, các trường học phải đóng cửa. Nhà chức trách khuyến nghị các trường tổ chức cho học sinh học từ xa vì lo ngại quân Nga tăng cường các đợt oanh kích vào dịp tròn một năm xâm lược Ukraina. Đặc phái viên Julien Boileau và Sylvie Noël hôm thứ Năm 23/02 đã đến trường 49 ở Kiev, gặp hiệu trưởng, nghe bà hồi tưởng về dấu mốc 24/02 và cách trường học thích nghi với thời chiến : « Bà Alla Souleymanova, hiệu trưởng của trường kể lại là hôm 24/02/2022, bà đến trường từ rất sớm. Lúc đó mới là 6 giờ sáng và hiệu trưởng trường 49 ở Kiev bắt đầu các cuộc gọi điện thoại cho hiệu trưởng của các trường học ở Pháp mà bà đã lập quan hệ đối tác, trao đổi trong suốt nhiều năm qua. Việc cấp bách khi đó là đưa các em học sinh đến chỗ an toàn. Tất cả những ai có thể đều ra đi. Mẹ của một học sinh lớp 12 đi đến Paris và chở theo 8 đứa trẻ trong xe của mình, các em ngủ lăn lóc chèn cả vào người nhau. Ở lại Kiev, vượt qua những thời khắc hoang mang, sợ hãi, cô hiệu trưởng Alla Souleymanova bắt tay vào tổ chức trường học thời chiến. Bà nói : « Anh chị biết đấy, Covid là một nỗi bất hạnh, nhưng cũng nhờ thế mà chúng tôi có các công cụ, các nền tảng dạy học. Và thế là chúng tôi bắt đầu tổ chức dạy học từ xa trên khắp thế giới, vì mọi người đều đã ra đi, đến bất cứ nơi nào họ có thể ». Kể từ tháng 9 năm ngoái, các lớp học tại trường đã được mở trở lại, nhưng việc dạy học trực tuyến vẫn tiếp tục được tổ chức cho các học sinh đã di tản đến những nơi khác ở Ukraina hoặc cho những học sinh đang sống tị nạn ở nước ngoài. Đối với những ai đến trường học, có một khu trú ẩn rộng rãi, thoải mái đã được tạo ra ở tầng hầm của trường. Mỗi khi có báo động, tất cả các lớp đều xuống ẩn náu ở đó và buổi học lại tiếp tục. Cô hiệu trưởng Alla Souleymanova kết luận : « Nhưng sẽ vẫn tốt hơn nếu chúng tôi không cần nơi trú ẩn này ». Mỗi ngày có gần 20.000 người Ukraina vượt biên giới Ba Lan trở về nước Nhìn tới vùng biên giới giữa Ukraina và Ba Lan, vào thời điểm có nhiều đồn đoán về việc Nga sẽ ồ ạt tấn công Ukraina vào dịp 24/02, nhiều người Ukraina tị nạn ở Ba Lan vẫn tìm cách đi tàu trở về Ukraina, nhất là đến miền tây, dù chỉ để lưu lại trong một ngày nghỉ cuối tuần, một tuần hay vài tháng. Mỗi ngày có gần 20.000 người vượt biên giới Ba Lan về thăm quê. Từ Przemysl, một trong những thị trấn của Ba Lan nằm gần Ukraina nhất, thông tín viên Martin Chabal gửi về bài phóng sự : « Trong tiết trời tháng Hai, nhiệt độ xuống dưới 0 độ C, hàng trăm người đang đợi để lên chuyến tàu đi Ukraina. Izabel cùng các con và gia đình của chị gái cô từ Anh trở về nước trong kỳ nghỉ của học sinh. Izabel nói : « Chúng tôi trở về vì muốn gặp lại chồng của chúng tôi. Còn họ đang nóng lòng được gặp lại bọn trẻ ». Thế nhưng, đằng sau nụ cười của Izabel vẫn là nỗi lo lắng về tình hình quê nhà ở Dnipro. Izabel nói tiếp : « Dẫu sao chúng tôi cũng vẫn sợ khi trở về Ukraina bây giờ. Trong trận pháo kích đầu tiên nhắm vào Dnipro, ngôi nhà cạnh nhà của chị gái tôi đã bị phá hủy ». Những người khác ít kiên nhẫn hơn Izabel. Đây là lần thứ hai Lera trở lại kể từ đầu năm đến nay. Cô rất vui khi được trở về Odessa. Lera chia sẻ : « Tôi rất vui khi được trở về. Tôi đã chờ suốt cả tháng nay rồi, chỉ để ở Odessa và có một khoảng thời gian thật vui ở đó ». Còn Vitalii đến Ba Lan là để thăm mẹ. Bây giờ cậu trở về sống ở Dnipro. Vitalii cho biết : « Tôi mới 17 tuổi nên tôi có thể dễ dàng sang Ba Lan rồi lại trở về ». Nhưng đến tháng Tư tới đây, Vitalii sẽ tròn 18 tuổi và cậu ấy sẽ không thể rời khỏi đất nước được nữa. Vitalii nói tiếp : « Tôi không biết mình sẽ phải làm gì. Tôi hy vọng chiến tranh sẽ kết thúc, nhưng tôi không sợ ». Mỗi ngày, có 3 chuyến tàu khởi hành từ thị trấn nhỏ này của Ba Lan để đến miền tây Ukraina. Còn người tị nạn đổ về đây từ khắp châu Âu để nắm lấy cơ hội về thăm đất nước mà họ đang rất nhớ thương ». Bất chấp chính sách trung lập về quân sự, Ireland quyết định huấn luyện binh sĩ Ukraina rà phá mìn Chính phủ Ireland vừa chính thức thông báo sẽ có chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina rà phá mìn. Ý tưởng này được đưa ra vào cuối năm ngoái. Ireland trước đây đã từng tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình, nhưng chưa bao giờ can dự vào một cuộc xung đột giữa hai quốc gia. Thông báo này đương nhiên không được phe đối lập ủng hộ, vì họ muốn duy trì tình trạng trung lập quân sự của đất nước. Quyết định của Ireland đương nhiên cũng vấp phải sự phản đối của Nga. Từ Dublin, thông tín viên Laura Taouchanov ngày 22/02 gửi về bài tường trình : « Sau nhiều tháng gửi hàng viện trợ y tế hoặc cứu trợ nhân đạo, nhưng luôn từ chối viện trợ quân sự, chính phủ Ireland nay đã thay đổi ý kiến. Khoảng 30 binh sĩ Ireland sẽ huấn luyện cho binh lính Ukraina cách rà phá mìn. Đó là một thế mạnh của quân đội Ireland và họ đã từng thực hiện một số khóa huấn luyện kiểu như vậy, chẳng hạn như ở Mali. Mục tiêu là tăng cường năng lực quân sự của Ukraina, giúp họ bảo vệ tốt hơn lãnh thổ Ukraina và bảo vệ dân thường. Đã có hàng trăm chương trình như vậy ở châu Âu, nhưng điểm khác biệt là Ireland vốn vẫn duy trì tình trạng trung lập về quân sự. Hòn đảo này không tham gia trực tiếp vào Đệ Nhị Thế Chiến và chưa bao giờ gia nhập NATO. Do vậy, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử, Ireland đóng góp vào việc huấn luyện một lực lượng của một nước đang có chiến tranh với một nước khác. Quyết định này đang gây tranh cãi trong hàng ngũ phe đối lập, đặc biệt là đảng Sinn Fein. Đối với đảng này, tính trung lập không chỉ là một quan điểm lịch sử, mà còn là mong muốn của nhân dân hiện nay. Đại sứ Nga tại Ireland cũng khẳng định khi đưa ra quyết định như vậy, coi như  Ireland trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột này ».
    2/25/2023
    9:01

Ähnliche Sender

Über TẠP CHÍ ĐẶC BIỆT

Sender-Website

Hören Sie TẠP CHÍ ĐẶC BIỆT, 1LIVE und viele andere Radiosender aus aller Welt mit der radio.de-App

TẠP CHÍ ĐẶC BIỆT

TẠP CHÍ ĐẶC BIỆT

Jetzt kostenlos herunterladen und einfach Radio & Podcasts hören.

Google Play StoreApp Store

TẠP CHÍ ĐẶC BIỆT: Zugehörige Sender